Mụn trứng cá là tình trạng nang lông bị viêm và ứ mủ do vi khuẩn P. acnes phát triển quá mức, da tăng tiết bã nhờn, vệ sinh kém, ảnh hưởng của nội tiết tố, căng thẳng kéo dài,… Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, các nốt mụn có thể sưng to, viêm đỏ, gây nóng rát, đau nhức và để lại sẹo thâm, sẹo rỗ.
Mụn trứng cá là gì? Phân loại
Mụn trứng cá (Acnes vulgaris) là tình trạng nang lông – tuyến bã bị viêm đỏ và tổn thương khu trú, xuất hiện chủ yếu ở những vùng da tiết nhiều dầu như vai, lưng, ngực và vùng da mặt. Cơ chế hình thành mụn trứng cá được xác định là do da tăng tiết bã nhờn, hiện tượng sừng hóa của nang lông và sự phát triển quá mức của trực khuẩn kỵ khí gram dương Propionibacterium acnes (P. acnes).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần – Nguyên PGĐ Chuyên môn kiêm Trưởng khoa khám bệnh BV YHCT TƯ, mụn trứng cá thường xuất hiện nhiều ở lứa tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, sau sinh hay những người thức đêm nhiều,… Mụn trứng cá thường gặp ở thanh thiếu niên (khoảng 80%) và người trẻ tuổi. Nguy cơ bị mụn thuyên giảm khi bước sang tuổi 25 vì lúc này da giảm hoạt động bài tiết dầu thừa và nội tiết tố có xu hướng ổn định.
Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mụn trứng cá tác động tiêu cực đến yếu tố tâm lý, thẩm mỹ, ngoại hình. Hơn nữa, hầu hết mụn trứng cá đều để lại sẹo thâm và sẹo rỗ sau khi điều trị.
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, mụn trứng cá được chia thành nhiều loại khác như:
- Mụn mủ: Đây là loại mụn có mức độ nặng với tổn thương là các sẩn đỏ có kích thước lớn và có phần mủ trắng xuất hiện ở phần đỉnh của mụn. Loại mụn này có thể để lại sẹo thâm và sẹo rỗ nếu không chăm sóc và xử lý đúng cách.
- Mụn đầu trắng: Mụn đầu trắng có kích thước nhỏ, ẩn sâu dưới da và chỉ xuất hiện ở dạng sẩn có màu hồng nhạt.
- Mụn đầu đen: Mụn đầu đen là loại mụn không gây viêm với nhân mụn nằm khu trú trong nang lông. Loại mụn này thường nằm sâu trong cấu trúc và chỉ lộ phần đầu nhỏ có màu đen.
- Mụn sần: Sần là dạng mụn trứng cá nhỏ, rắn chắc và có màu hồng. Dạng mụn này nổi li ti trên bề mặt da khiến da sần sùi và kém mịn màng.
- Mụn trứng cá bọc: Loại mụn này thường có kích thước lớn với các sẩn viêm, nang và mủ tích tụ dưới da. Mụn trứng cá bọc thường xuất hiện ở vùng cằm và mũi.
Ngoài ra, mụn trứng cá còn bao gồm các loại ít phổ biến hơn như mụn trứng cá dạng nang, mụn trứng cá ác tính,…
Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Mụn trứng cá hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân chính gây hình thành mụn trứng cá trên da:
Da bài tiết dầu thừa quá mức là nguyên nhân gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn
- Tăng tiết bã nhờn: Thông thường, nang lông bài tiết một lượng bã nhờn vừa đủ nhằm bảo vệ và dưỡng ẩm da, tóc và móng. Tuy nhiên tình trạng da tăng tiết bã nhờn có thể khiến nang lông bị bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí phát triển và gây mụn. Da thường bài tiết nhiều dầu do tăng hormone androgen (xảy ra trong quá trình dậy thì).
- Sừng hóa cổ nang lông: Các tế bào cổ nang lông và tuyến bã thường được đào thải ra bên ngoài sau một chu kỳ. Tuy nhiên ở người bị mụn trứng cá, cổ nang lông bị sừng hóa khiến các tế bào chết tích tụ bên trong, dẫn đến tình trạng ứ đọng bã nhờn, bụi bẩn và kích thích phản ứng viêm.
- Vi khuẩn P. acnes tăng sinh quá mức: Vi khuẩn P. acnes tồn tại trên bề mặt da với số lượng hạn chế. Tuy nhiên khi có điều kiện thuận lợi (vệ sinh kém, da tiết nhiều dầu,…) vi khuẩn có thể phát triển mạnh và gây viêm ở nang lông. So với các nguyên nhân khác, mụn trứng cá do vi khuẩn P. acnes thường có mức độ nặng và dễ để lại thâm sẹo.
Ngoài ra, mụn trứng cá cũng có thể khởi phát do một số yếu tố thuận lợi sau:
- Người có độ tuổi từ 13 – 30 tuổi có khả năng bị mụn trứng cá cao hơn so với trẻ nhỏ và người cao tuổi
- Sinh sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm hoặc khô hanh.
- Vệ sinh da mặt kém hoặc chăm sóc da không đúng cách
- Tính chất công việc phải tiếp xúc với dầu mỡ, hóa chất, bụi bẩn và ánh nắng
- Chế độ ăn không lành mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ gây mụn trứng cá (chế độ ăn nhiều đường, chất kích thích, gia vị cay nóng, uống ít nước)
- Lạm dụng corticoid dạng bôi có thể khiến da giảm chức năng đề kháng và nổi mụn trứng cá ồ ạt
- Có khoảng 50% trường hợp bị mụn trứng cá có tiền sử gia đình mắc các vấn đề da liễu tương tự như mụn, da nhờn, viêm da tiết bã,…
- Ảnh hưởng của các bệnh nội tiết như rối loạn nội tiết tố, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh cường giáp, bệnh Cushing,…
- Sử dụng mỹ phẩm chứa thành phần kích ứng
- Một số thói quen xấu như tự nặn mụn, thường xuyên sờ tay lên mặt, đeo khẩu trang thường xuyên,… cũng có thể làm tăng nguy cơ gây mụn trứng cá
Ở một số trường hợp, mụn trứng cá có thể xuất hiện vô căn (không thể xác định được nguyên nhân).
Dấu hiệu nhận biết mụn trứng cá
Biểu hiện lâm sàng của mụn trứng cá khá đa dạng tùy thuộc vào loại da, nguyên nhân gây bệnh và một số yếu tố tác động khác.
Mụn trứng cá biểu hiện bởi tình trạng da nổi các nốt đỏ, ứ mủ, đi kèm với ngứa ngáy và đau rát
Các dấu hiệu nhận biết da nổi mụn trứng cá:
- Bề mặt da sần sùi, nhiều dầu và kém mịn màng
- Xuất hiện các nốt mụn đầu trắng hoặc đầu đen
- Có thể nổi các sẩn đỏ có kích thước đa dạng,
- Sau một vài ngày, sẩn đỏ có xu hướng tụ mủ ở phần đỉnh mụn
- Một số mụn có u nang cộm bên dưới
- Da có thể bị nóng rát, đau và ngứa ngáy
Các phương pháp điều trị mụn trứng cá
Mặc dù mụn trứng cá chỉ gây triệu chứng ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không chủ động điều trị, tổn thương da có thể tiến triển nặng khiến da sưng đỏ và ứ mủ. Hơn nữa, mụn trứng cá không được xử lý đúng cách còn có nguy cơ để lại sẹo thâm và sẹo rỗ.
1. Sử dụng thuốc bôi + uống trị mụn trứng cá
Đối với các trường mụn trứng cá nhẹ và vừa, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi sau:
- Thuốc bôi chứa acid salicylic: Acid salicylic là dẫn xuất của beta-hydroxy axit. Hoạt chất này có khả năng loại bỏ tế bào sừng tích tụ ở nang lông và hỗ trợ làm sạch bã nhờn, bụi bẩn tích tụ. Ngoài ra, acid salicylic còn có tác dụng sát trùng và giảm viêm nhẹ.
- Thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide: Benzoyl peroxide (2.5 – 5%) được sử dụng đối với các mụn mủ hoặc mụn nang có kích thước lớn. Hoạt chất này hoạt động bằng cách đưa oxy vào các nang mụn khiến vi khuẩn kỵ khí (P. acnes) bị kìm hãm và tiêu diệt. Ngoài khả năng kháng khuẩn, Benzoyl peroxide còn giúp bạt sừng và bong vảy da.
- Thuốc kháng sinh tại chỗ: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc kháng sinh tại chỗ như Erythromycin và Clindamycin để ức chế vi khuẩn gây mụn nhằm giảm viêm và hạn chế mức độ tổn thương da.
- Kháng sinh đường uống: Kháng sinh đường uống được sử dụng khi mụn trứng cá có mức độ nặng và không có đáp ứng tốt với thuốc bôi tại chỗ. Các loại thuốc kháng sinh đường uống được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá, bao gồm Clindamycin, Minocycline và Tetracycline. Tuy nhiên lạm dụng kháng sinh trị mụn đường uống có thể gây viêm nang lông.
- Thuốc bôi chứa Retinoid: Retinoids là dẫn xuất của vitamin A có tác dụng chống hiện tượng sừng hóa. Thuốc được sử dụng nhằm ngăn chặn sự hình thành của các nút sừng tại cổ nang lông, từ đó hạn chế nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Loại thuốc này thường được sử dụng với kháng sinh dạng bôi để tăng hiệu quả điều trị.
- Viên uống chứa dẫn xuất vitamin A: Đối với những trường hợp mụn trứng cá nặng, bác sĩ có thể chỉ định viên uống chứa dẫn xuất của vitamin A (Retinoid). Retinoid có khả năng điều hòa quá trình tăng trưởng của da, hạn chế tình trạng sừng hóa nang lông và kiểm soát lượng bã nhờn được bài tiết. Tuy nhiên sử dụng viên uống chứa dẫn xuất từ vitamin A có thể gây khô da, khô mắt, viêm kết mạc, viêm môi, khô miệng, rụng tóc,…
- Viên uống nội tiết: Viên uống nội tiết được chỉ định khi mụn trứng cá khởi phát do rối loạn nội tiết tố. Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định các viên uống nội tiết như Labcos Soy Isoflavon trong khoảng 3 – 6 tháng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số sản phẩm hỗ trợ như sữa rửa mặt, kem dưỡng, nước cân bằng,… chứa các thành phần bạt sừng và kháng khuẩn như PHA, BHA, AHA để hỗ trợ làm sạch da, giảm sừng hóa nang lông, ức chế vi khuẩn và ngăn ngừa tích tụ bã nhờn trong lỗ chân lông.
2. Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)
Quang trị liệu là liệu pháp sử dụng ánh sáng nhằm điều trị các vấn đề ở da như vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn và mụn trứng cá. Trong điều trị mụn trứng cá, bác sĩ thường sử dụng ánh sáng có màu xanh lam – đỏ hoặc ánh sáng xanh lam đơn thuần.
Nghiên cứu cho thấy, ánh sáng xanh lam giúp biến đổi porphyrin của vi khuẩn P. acnes, ánh sáng đỏ giúp kích thích lưu thông máu và tăng sinh sợi mô liên kết nhằm hạn chế sẹo rỗ sau mụn.Tuy nhiên biện pháp này cho kết quả hạn chế và chỉ được áp dụng sau khi lấy nhân mụn nhằm cải thiện tình trạng viêm đỏ.
3. Các biện pháp y tế khác
Ngoài ra, bạn cũng có thể điều trị mụn trứng cá với một số biện pháp khác như:
- Lấy nhân mụn: Nhân mụn thường không thể tự tiêu biến mà bắt buộc phải nặn để loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn cần tránh tình trạng tự nặn mụn tại nhà. Để được loại bỏ nhân mụn hoàn toàn và tránh nguy cơ để lại sẹo rỗ, nên đến bệnh viện để được nhân viên y tế lấy nhân mụn và vô trùng da.
- Lăn kim: Lăn kim trị mụn sử dụng loại lăn kim nông nhằm loại bỏ các tế bào sừng ở cổ nang lông, hạn chế tình trạng bã nhờn và bụi bẩn tích tụ. Tuy nhiên biện pháp này không phù hợp với mụn trứng cá nặng gây ổ viêm và nang mủ lớn.
- Chemical peel: Phương pháp này sử dụng các thành phần hóa học như Retinol, acid salicylic, glycolic acid, mandelic acid,… có nồng độ cao nhằm làm bong tế bào sừng của da. Mục tiêu của Chemical peeling là loại bỏ nút sần ở cổ nang lông, giảm bài tiết bã nhờn và kích thích nốt mụn gom cồi.
Để được tư vấn về phương pháp phù hợp, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ da liễu. Tuyệt đối không tự ý áp dụng khi chưa tham vấn y khoa.
4. Chăm sóc da đúng cách
Vệ sinh da kém là điều kiện thuận lợi để tế bào chết, bã nhờn và bụi bẩn tích tụ ở nang lông. Ngoài ra, da không được làm sạch và chăm sóc đúng cách còn khiến hàng rào bảo vệ suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm men phát triển mạnh.
Vì vậy để việc điều trị mụn trứng cá đem lại hiệu quả, cần kết hợp với biện pháp chăm sóc da đúng cách:
- Cần vệ sinh da mặt 2 lần/ ngày (sáng – tối) với các loại sữa rửa mặt có thành phần dịu nhẹ, độ pH cân bằng và không chứa hương liệu. Khi rửa mặt, nên massage nhẹ nhàng và tập trung làm sạch ở các vùng da tiết nhiều dầu như khóe mũi, trán và cằm.
- Sử dụng kem dưỡng 2 lần/ ngày nhằm cấp ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Ngoài ra, da được bổ sung đủ ẩm sẽ có xu hướng giảm bài tiết bã nhờn. Tuy nhiên khi đang bị mụn, cần lựa chọn các sản phẩm có kết cấu mềm, mỏng và thấm nhanh để tránh bít tắc nang lông.
- Tránh để da mặt tiếp xúc với ánh nắng có cường độ mạnh, hóa chất và mỹ phẩm gây kích ứng. Bên cạnh đó trong thời gian điều trị mụn, nên giữ da thông thoáng và hạn chế trang điểm.
- Xông mặt 2 lần/ tuần với các nguyên liệu tự nhiên như sả, gừng, chanh,… nhằm làm sạch nang lông và ức chế vi khuẩn có hại.
- Không tự ý nặn mụn tại nhà và cần tránh tình trạng đưa tay lên mặt, nốt mụn.
- Cần thay/ giặt khẩu trang mỗi ngày để tránh vi khuẩn tích tụ khiến da bị kích ứng và viêm đỏ.
Chăm sóc da đúng cách giúp hạn chế các nốt mụn mới, nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và rút ngắn thời gian điều trị mụn trứng cá. Ngoài ra, các biện pháp này còn giúp hạn chế nguy cơ hình thành sẹo thâm và sẹo rỗ sau mụn.
Lối sống khoa học giúp kiểm soát mụn trứng cá
Mụn trứng cá là hệ quả do nhiều nguyên nhân và yếu tố cộng hưởng. Vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, bạn cần thay đổi lối sống để kiểm soát mụn, nuôi dưỡng làn da và hỗ trợ quá trình điều trị.
Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát và phòng ngừa mụn trứng cá:
- Cần xây dựng chu trình chăm da cơ bản (làm sạch – dưỡng ẩm – chống nắng).
- Thận trọng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da và trang điểm.
- Bỏ thói quen nặn mụn, chích mụn và sờ tay lên da mặt.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, gia vị cay nóng và dầu mỡ như nước ngọt có gas, cà phê, rượu bia, socola, bánh kẹo, sữa bò,…
- Có thể bổ sung các nhóm thực phẩm và đồ uống tốt cho da như sữa chua, nha đam, trái cây, rau xanh, đậu nành và một số loại cá.
- Không tự ý dùng thuốc bôi corticoid khi chưa tham vấn y khoa. Đồng thời, nên tránh sử dụng các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc – xuất xứ.
- Cân đối thời gian làm việc – học tập nhằm kiểm soát căng thẳng.
- Hạn chế các hoạt động khiến da đổ nhiều mồ hôi như lao động nặng, chạy bộ, gym.
- Tránh thức khuya và ngủ không đủ giấc. Các thói quen này có thể khiến da sạm, thiếu sức sống, tiết nhiều dầu và có nguy cơ nổi mụn cao.
Mụn trứng cá là vấn đề da liễu thường gặp. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này tác động không nhỏ đến ngoại hình và yếu tố tâm lý. Vì vậy bạn nên chủ động điều trị và chăm sóc da đúng cách để kiểm soát mụn và ngăn ngừa thâm sẹo.